Truy cập nội dung luôn

Thái Nguyên đặt mục tiêu đào tạo 4.500 nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn và công nghệ thông tin, AI

Wed Nov 20 17:25:00 GMT+07:00 2024

Với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những trung tâm quan trọng phát triển sản xuất công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) của vùng và cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 4.500 lao động trong các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực công nghệ thông tin, AI.

Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo các nano tinh thể bán dẫn

Cụ thể, đến năm 2023, đào tạo cho 2.000 người học trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI ở trong nước và nước ngoài, trong đó, khoảng 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin. Đào tạo cho 500 người học trình độ cao đẳng, trong đó có khoảng 300 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 200 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin, AI. Đào tạo cho trên 2.000 người học trình độ trung cấp, trong đó có khoảng 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ lĩnh vực công nghệ thông tin, AI.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành các doanh nghiệp thiết kế, nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực; tăng cường hợp tác trong nước giữa tỉnh Thái Nguyên và từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển công nghệ bán dẫn, AI ứng dụng trong từng ngành, lĩnh vực; tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài trong việc thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ AI ứng dụng vào Việt Nam.      

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên thực hành với bàn thí nghiệm điện tử số trong giờ học

Để thực hiện các mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn, AI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI; đầu tư, nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, AI trong nước và nước ngoài; kịp thời nắm bắt nhu cầu lao động; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; đồng thời đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung của tỉnh.

Thái Nguyên là địa phương có tiềm năng to lớn và hiện đang đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 200 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 11 tỷ USD. Đáng chú ý, khoảng 70% trong số các dự án này thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử. Thái Nguyên cũng được biết đến là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm đào tạo gần 100.000 lao động, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh khác. Tỉnh Thái Nguyên có đủ khả năng, năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, AI và các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất. Trên địa bàn tỉnh việc đào tạo ngành nghề phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI đang được thực hiện tại các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên như: Công nghệ thông tin và Truyền thông; Kỹ thuật Công nghiệp; Khoa học.

Năm 2024 là năm đầu tiên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên đào tạo sinh viên trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn vi mạch. (Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trong một tiết học thực hành)

Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư. Dự báo thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đẩy mạnh đầu tư và Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới. Việc Thái Nguyên xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, AI được xem là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư vào những lĩnh vực này và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh.

Kim Oanh
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 194542